Người tiêu dùng càng ngày mất lòng tin ở các hãng xe

Tại triển lãm ô tô Bắc Mỹ (NAIAS 2016) diễn ra ở Detroit, các hãng xe đã phải đối mặt với việc lấy lại lòng tin đang mất dần ở người tiêu dùng.

Triển lãm NAIAS 2016 được xem như là cơ hội để ngành công nghiệp ô tô tìm thấy cách giải quyết cho một loạt vụ bê bối trong thời gian qua, từ sự cố hệ thống đánh lửa của GM, lỗi túi khí Takata, cho đến gian lận mức khí thải của Volkswagen. Càng ngày, người tiêu dùng càng quan tâm đến vấn đề an toàn và “sạch” trên những chiếc xe hơi hơn.

Nora Freeman Engstrom - Giáo sư luật thuộc trường đại học Stanford, cho biết: “Nhiều hãng xe đã quá quan tâm đến vấn đề doanh số thay vì các vấn đề an toàn. Họ sẵn sàng đánh lừa cơ quan quản lý và né tránh pháp luật”.

Hậu quả của những vụ bê bối là những khoản tiền phạt không nhỏ, thậm chí những vụ kiện tụng và điều tra hình sự. Đặc biệt, theo Erik Gordon - Giáo sư kinh tế của trường đại học Michigan, cho rằng trong tương lai, lượng xe tiêu thụ sẽ bị ảnh hưởng do thế hệ Millennial “xa lánh” sản phẩm của những công ty vi phạm đạo đức.

Người tiêu dùng càng ngày mất lòng tin ở các hãng xe 1

Người tiêu dùng càng ngày mất lòng tin ở các hãng xe

Tháng 11/2015, nhận thức của người tiêu dùng về các thương hiệu ô tô đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Càng ngày, người tiêu dùng càng quan tâm hơn đến sự trung thực. Tháng 11/2015, Jeff Selby, một khách hàng từ Elmira, Ontario, Canada đã ngừng sử dụng Volkswagen Jetta TDI và chuyển sang dùng Ford Escape sau khi cảm thấy bị lừa dối bởi những lời quảng cáo của VW về việc động cơ tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.

Dù bị ảnh hưởng bởi những đợt triệu hồi hàng loạt và các bê bối đình đám, doanh số cộng dồn các xe tại Mỹ trong năm 2015 đã lập kỷ lục 17,5 triệu chiếc. Các nhà phân tích dự đoán sang năm 2016, nhiều khả năng, các hãng xe sẽ thiết lập kỷ lục mới nhưng Quốc hội và các nhà quản lý cũng sẽ kiểm soát nhiều hơn đến ngành công nghiệp. 

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà sản xuất ô tô cho biết họ sẽ có những biện pháp nhất định để cải thiện vấn đề an toàn và đàm phán với giới quản lý. GM, Takata, Fiat, Toyota và BMW đều bị giám sát độc lập dưới một số hình thức.

 Cái tên “hot” nhất trong thời gian qua là Volkswagen. Hãng xe Đức đã phải mời luật sư nổi tiếng Kenneth Feinberg về làm việc để dàn xếp một loạt vụ án dân sự và cam kết sẽ công khai minh bạch. Liên quan đến vụ bê bối gian lận khí thải, cựu CEO Martin Winterkorn phải từ chức, trong khi nhiều kỹ sư hàng đầu cũng bị đình chỉ công việc. Ngay trước thềm triển lãm ô tô Bắc Mỹ 2016, CEO của Volkswagen là Matthias Müller một lần nữa đứng ra xin lỗi vì những hành vi vi phạm và cam kết sẽ lấy lại lòng tin của khách hàng.

Nguồn: otoxemay.vn

  • Bình luận google +
  • Bình luận facebook