Những dấu ấn quan trọng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong năm 2016
03/01/2017
Năm 2016 đã khép lại với rất nhiều dấu ấn quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam như cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa ô tô nhập khẩu chính hãng và không chính hãng, thay đổi mức tính thuế tiêu thụ đặc biệt, bãi bỏ quy định tiêu chuẩn khí thải Euro 2...
1. Cuộc cạnh tranh giữa ô tô nhập khẩu chính hãng và không chính hãng
Thông tư 20/2011/TT-BCT được ban hành, quy định về việc nhập khẩu ô tô phải có giấy uỷ quyền chính hãng đã hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016. Do mỗi hãng xe chỉ cấp một giấy uỷ quyền nhập khẩu chính hãng ở mỗi nước nên Thông tư này khi ra đời được xem là dấu chấm hết cho hoạt động nhập khẩu xe tự do. Nhân sự kiện này, nhiều nhà nhập khẩu xe không chính hãng đã kêu gọi "cởi trói" cho hoạt động nhập khẩu ô tô, bỏ quy định về giấy uỷ quyền chính hãng, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, tránh độc quyền trong hoạt động phân phối xe hơi.
Xe ô tô nhập khẩu đang cạnh tranh mạnh mẽ
Tuy vậy, gần nửa năm từ ngày thông thư 20 chính thức hết hiệu lực, các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra văn bản nào thay thế. Tình trạng này vẫn đang diễn ra khiến nội bộ các nhà phân phôi xe chia thành 2 thái cực trong đó lợi thế đang nghiêng về các nhà phân phối chính hãng. Được biết bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Công thương và Khoa học Công nghệ (KHCN) đang soạn thảo các văn bản, quy định cụ thể hơn về nhập khẩu, quy định nhà xưởng, sở hữu trí tuệ (liên quan đến máy móc, phần mềm làm dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng)...
Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2017, hoạt động sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đã chính thức được đưa vào vào danh mục các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư.
2. Quy định xử phạt vi phạm giao thông mới
Từ ngày 1/8/2016, thay đổi một số quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông
Từ ngày 1/8/2016, Nghị Định 171/2013 và Nghị Định 107/2014 đã chính thức bị thay thế bằng Nghị định 46/2016/NĐ-CP với nhiều điểm mới về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. Ngoại trừ quy định về việc xử phạt hành vi lái xe ô tô vượt đèn vàng gặp phải nhiều ý kiến phản đối của người tham gia giao thông thì hầu hết các quy định xử phạt mới trong Nghị định 46 đều được người dân ủng hộ.
4. Thay đổi cách tính thuế Tiêu thụ đặc biệt
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế TTĐB bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2016. Theo quy định mới, chỉ có dòng xe dung tích dưới 1.500cc được giảm thuế suất thuế TTĐB còn lại mức thuế đối với các dòng xe khác vẫn giữ nguyên hoặc tăng thuế suất. Sự thay đổi này đã tác động mạnh mẽ đến giá bán các dòng xe. Trong khi các dòng xe cỡ nhỏ có giá giảm nhẹ thì những dòng xe sang lại tăng giá bán cả trăm triệu đồng, thậm chí có mẫu xe tăng giá bán cả vài chục tỷ đồng, điển hình như Rolls-Royce Phantom Đông A tăng gần 30 tỷ đồng lên 83,8 tỷ đồng.
6. Quy định gắn bình chữa cháy trên xe ô tô
Quy định các xe ô tô phải được trang bị phương tiện chữa cháy áp dụng từ ngày 6/1/2016
Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an quy định về việc xe ô tô phải được trang bị các phương tiện chữa cháy chính thức có hiệu lực từ ngày 6/1/2016. Theo đó, các xe ô tô thông thường không có phương tiện chữa cháy sẽ bị phạt từ 300.000 đến 500.000 đồng. Các xe chuyên chở hóa chất, đồ dễ cháy nổ vi phạm sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng.
Tuy vậy, do thực tế đã xảy ra không ít các vụ nổ bình chữa cháy trên xe ô tô, cộng với việc Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bình chữa cháy nên đến nay, quy định này gần như chỉ tồn tại trên lý thuyết.
7. Lằng nhằng việc Mazda3 hiện đèn báo check-engine
Tháng 6/2016, Thaco Trường Hải chính thức công bố lệnh triệu hồi hơn 10.000 chiếc Mazda3 sử dụng động cơ SkyActiv-G 1.5L tại Việt Nam vì lỗi hiện đèn báo check enginer, kết thúc cuộc tranh cãi dai dẳng trước đó 1 năm.
Trước đó, rất nhiều khách hàng sử dụng mẫu xe này phản ảnh xuất hiện đèn báo check enginer. Tập đoàn Mazda đã đưa người sang kiểm tra, ghi nhận hiện tượng và mang các mẫu vật về nghiên cứu. Đến tận tháng 3/2016 mà tập đoàn Mazda và Thaco Trường Hải vẫn không đưa ra những kết luận cuối cùng về nguyên nhân của sự việc này. Để khắc phục tạm thời lỗi trên, Mazda Việt Nam thực hiện xúc rửa hệ thống phun nhiên liệu, đổ thêm dung dịch làm sạch kim phun.
Đến cuối tháng 4/2016, khi Mazda Việt Nam vẫn không đưa ra được giải pháp cuối cùng để xử lý dứt khoát lỗi hiện đèn check-engine thì Cục Đăng kiểm Việt Nam vào cuộc, tuyên bố sẽ không đăng kiểm mới cho các mẫu xe này nếu nhà phân phối không có giải pháp triệt để. Lúc này, Mazda Việt Nam mới trình phương án xin triệu hồi để sửa chữa. Tuy vậy, đại diện nhà phân phối Mazda tại Việt Nam cho biết, hiện tập đoàn Mazda vẫn đang nghiên cwusm phân tích lỗi check-engine trên các động cơ SkyActiv 1.5L. Các biện pháp mà Mazda Việt Nam tiến hành chưa phải là biện pháp cuối cùng. Đến tháng 10/2016, Mazda Việt Nam tiếp tục phải triệu hồi 4.809 chiếc Mazda2 sử dụng cùng chủng loại động cơ vì lỗi tương tự.
8. Truy thu thuế các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô gần 1.000 tỉ đồng
Tháng 7/2016, Tổng cục Hải quan cho biết có hiện tượng chênh lệch giá trị nhập khẩu ô tô tại 5 cửa khẩu được phép nhập khẩu mặt hàng này trên toàn quốc. Sang tháng 8/2016, Tổng cục Thuế nhận được chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) về việc điều tra một số đối tượng lợi dụng chính sách nhập khẩu ô tô theo dạng quà tặng để gian lận, trốn thuế và nhất là hành vi gian lận thương mại khi cố tình khai báo giá trị tính thuế của xe nhập khẩu thấp hơn giá bán trên thị trường.
Cuộc cạnh tranh ngầm giữa xe ô tô nhập khẩu chính hãng và tự do đang diễn ra
Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế địa phương ra soát các cơ sở kinh doanh nhập khẩu nhập khẩu ô tô theo diện quà tặng, kiểm tra kỹ số lượng xe đã bán cho bên thứ hai... để rà soát nghĩa vụ thuế của các công ty này. Tiếp đó, đến tháng 9/2016, phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, làm rõ hiện tượng gian lận trong việc nhập khẩu ô tô theo dạng biếu tặng.
Sau đợt kiểm tra này, hàng loạt công ty phân phối xe sang và siêu sang tại Việt Nam đã bị nộp truy thu hàng nghìn tỉ đồng về Tổng cục Thuế. Trong đó đáng chú ý là công ty Tân Thành Đô - nhà phân phối thương hiệu Jaguar và Land Rover đã bị truy thu 719 tỉ đồng, nhà phân phối thương hiệu Rolls-Royce - công ty Regal bị truy thu 49 tỉ đồng. Đặc biệt, mới đây nhất, công ty Euro Auto - phân phối thương hiệu BMW, MINI, Motorrad tại Việt Nam đã bị khởi tố vì hành vi gian lận trong hoạt động nhập khẩu và phân phối xe.
9. Xu hướng nhập khẩu xe thay vì lắp ráp
Lộ trình giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô sản xuất tại các nước trong khu vực ASEAN về 0% vào năm 2018 đã tác động khiến cho các nhà sản xuất phải cân nhắc đến việc nhập khẩu các mẫu xe trước đó vốn được lắp ráp trong nước điển hình như Toyota Fortuner, Mitsubishi Pajero Sport, Ford Everest, Honda Civic...
Nhiều nhà sản xuất và phân phân phối xe đang tính đến chuyện nhập khẩu các mẫu xe vốn được lắp ráp trong nước
Các động thái này đều thể hiện một thực tế là các hãng xe lớn tại Việt Nam đều đang có chung một xu hướng lựa chọn đó là chuyển sang nhập khẩu xe từ các nước khác trong khu vực ASEAN, thay vì lắp ráp ngay tại Việt Nam. Thực tế này xuất phát từ bài toán hiệu quả trong kinh doanh, khi chi phí sản xuất, quản lí của việc lắp ráp xe trong nước không thể hiệu quả bằng việc nhập khẩu xe từ các nhà máy có quy mô sản xuất cũng như trình độ chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Với xu hướng này, nhiều khả năng, từ nay đến năm 2018 các hãng sẽ chỉ giữ lại một vài dòng xe lắp ráp trong nước có hiệu quả cao như Toyota Innova, Ford Transit...
10. Kết thúc chuẩn khí thải Euro 2 với ôtô
Năm 2016 kết thúc cũng là thời điểm các quy định về tiêu chuẩn Euro 2 đối với ô tô mới được nhập khẩu hay lắp ráp tại chấm dứt. Các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới sẽ áp dụng tiêu chuẩn mức khí thải 4 (Euro4) và các loại xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới sẽ áp dụng quy định mức tiêu chuẩn khí thải mức 3 từ ngày 1/1/2017.
Từ ngày 1/1/2017, Các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới sẽ áp dụng tiêu chuẩn mức khí thải 4
Mặc dù quy định về tiêu chuẩn mức khí thải đã chính thức được áp dụng nhưng hiện tại, vấn đề nhiên liệu sử dụng cho các dòng xe này vẫn chưa phù hợp. Trong khi khi mà các hãng xe đảm bảo các dòng xe được sản xuất hay nhập khẩu vào Việt Nam đều có thể đảm bảo vấn đề này nhưng chất lượng nhiên liệu cung cấp các xe cũng phải đảm bảo "đạt chuẩn" thì việc áp dụng các quy định về mức khí thải đối với ô tô, xe máy mới đạt được hiệu quản như thiết kế.
Về vấn đề năng lực của các đơn vị kiểm tra nồng độ khí thải phương tiện xe cơ giới thì đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cơ quan này đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, máy móc để thực hiện việc kiểm tra phương tiện theo tiêu chuẩn khí thải mới này.
Nguồn: dantri.com.vn
Các tin khác
- Bình luận google +
- Bình luận facebook