Nissan kỳ vọng gì khi liên minh với Mitsubishi Motors?
24/05/2016
Với việc nắm quyền điều hành Mitsubishi Motors, hãng xe Nissan kỳ vọng sẽ đạt được hai mục tiêu lớn đã ấp ủ bấy lâu...
Mốc doanh số 10 triệu xe
Mitsubishi hôm 20/4 đã thừa nhận việc gian lận mức tiêu thụ nhiên liệu của xe. Chỉ ba tuần sau đó, Nissan đã quyết định chi 2,18 tỷ USD để thành lập liên minh với Mitsubishi.
Theo thoả thuận giữa hai bên, Nissan sẽ mua khoảng 500 triệu cổ phiếu của Mitsubishi, với giá 468,52 yên/cổ phiếu, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của Mitsubishi, với tỷ lệ sở hữu 34% cổ phần.
Với Mitsubishi, giữa bối cảnh bê bối này, việc được tiếp một lượng lớn tiền mặt như vậy là rất quý vì phải chuẩn bị bồi thường rất nhiều từ gian lận mức tiêu hao nhiên liệu.
Chỉ trong vòng một tuần khi vụ bê bối nổ ra, cổ phiếu của Mitsubishi đã giảm giá một nửa. Ông Carlos Ghosn - CEO của cả Renault và Nissan – cho biết, việc cổ phiếu Mitsubishi rớt giá mạnh là một cơ hội vàng để thành lập liên minh.
Ông Carlos Ghosn - CEO của cả Renault và Nissan (trái) và ông Osamu Masu - Chủ tịch kiêm CEO của Mitsubishi
Về chiến lược công nghệ, cả Mitsubishi và Nissan đều đẩy mạnh lĩnh vực xe chạy điện, sau khi bị Toyota Motor và Honda Motor bỏ xa trong lĩnh vực xe hybrid. Những năm gần đây, hai bên đã cùng hợp tác vui vẻ. Mitsubishi cung cấp cho Nissan một số mẫu xe mini và Nissan cung cấp cho Mitsubishi một số mẫu sedan.
Năm 2015, doanh số bán hàng toàn cầu của liên minh Renault-Nissan đạt 8,52 triệu xe, còn của Mitsubishi là 1,07 triệu xe. Như vậy, nếu kết hợp lại, bộ ba này sẽ có doanh số đạt gần 10 triệu xe, mục tiêu từ lâu ông Ghosn muốn vươn tới. Trong khi đó, đến nay chỉ có Toyota, GM và Volkswagen cán mốc này.
Thị trường Đông Nam Á
Có lẽ động lực quan trọng hơn cả chính là sự ảnh hưởng của Mitsubishi ở thị trường Đông Nam Á trong công nghệ xe chạy điện và lĩnh vực xe mini. Điều này đã được ông Ghosn đề cập đến như một trong những lý do giúp hãng xe đồng hương đang gặp khó khăn.
"Hoạt động của Mitsubishi ở thị trường Đông Nam Á tốt hơn Nissan, nhất là ở phân khúc SUV", ông Ghosn cho biết. Mục tiêu của ông là thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Mitsubishi để tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực.
Renault-Nissan vượt xa Mitsubishi ở khu vực Bắc Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, nhưng ở Đông Nam Á, câu chuyện lại khác. Mitsubishi dẫn đầu lượng tiêu thụ ở 4 trong 5 thị trường lớn tại khu vực này, theo số liệu từ trang MarkLines.
Tại Indonesia - thị trường lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có khoảng 61.000 xe Mitsubishi được bán ra trong năm 2015. Trong khi Renault-Nissan chỉ bán ra hơn 3.000 xe. Tại Thái Lan, Mitsubishi cũng bán được gần 58.000 xe, còn Renault-Nissan chưa đạt mốc 50.000 xe, dù thực tế là doanh số toàn cầu của Renault-Nissan năm 2015 cao hơn Mitsubishi gấp 8 lần.
Một lý do dẫn đến sự khác biệt trên là bởi Nissan chậm chân hơn các đối thủ đồng hương Nhật Bản ở thị trường Đông Nam Á, do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng quản lý hồi thập niên 90 dẫn tới việc hình thành liên minh với Renault. Dưới sự điều hành của CEO Ghosn, Nissan đã đóng cửa một số nhà máy và cơ cấu lại danh mục sản phẩm.
Trong thời gian đó, các hãng xe Nhật khác bận tìm chỗ đứng ở thị trường Đông Nam Á. Mitsubishi hiện có nhiều sản phẩm được ưa chuộng tại đây, như xe bán tải Triton và SUV Pajero Sport. Gần 1/4 doanh số toàn cầu của Mitsubishi đến từ thị trường châu Á (trừ Nhật và Trung Quốc), chủ yếu là Đông Nam Á.
Đối với liên minh Renault-Nissan, thị trường châu Á, không kể Nhật Bản và Trung Quốc, chỉ chiếm khoảng 5% doanh số. Để bù đắp cho mức tăng chậm ở Đông Nam Á, Nissan đã tập trung vào thị trường Trung Quốc và giờ đây trở thành hãng xe Nhật lớn nhất ở đất nước đông dân này.
Liên minh với Mitsubishi sẽ giúp Renault-Nissan có cơ hội vươn lên vị trí dẫn đầu ở Đông Nam Á, đánh bại đối thủ Toyota đang làm chủ cuộc chơi tại đây. Tuy nhiên, mục tiêu này có vẻ không dễ dàng.
Tại Đông Nam Á, Toyota đã thiết lập được nền tảng vững chắc nhờ sự đa dạng của thương hiệu, từ xe bình dân - Toyota - đến cao cấp - Lexus, cùng thương hiệu xe mini giá rẻ Daihatsu và xe thương mại Hino. Tính gộp lại, Toyota đang chiếm hơn 50% thị phần tại Indonesia, nơi Renault-Nissan và Mitsubishi cộng lại mới chỉ chiếm 12% thị phần. Ở 4 thị trường lớn khác trong khu vực này, tình hình cũng tương tự.
Nissan và Mitsubishi nhiều khả năng sẽ tăng cường chia sẻ sản phẩm và tiêu chuẩn hoá linh kiện, phụ tùng ở Đông Nam Á. Câu hỏi đặt ra là liệu liên minh mới này có thu hút được nhiều khách hàng ở thị trường này và đe doạ vị trí thống lĩnh của Toyota hay không.
Nguồn: dantri.com.vn
Các tin khác
- Bình luận google +
- Bình luận facebook