Doanh nghiệp ô tô đua nhau chiếm lĩnh thị trường

Trong khi vẫn còn đắn đo giữa việc nhập khẩu xe hay đầu tư sản xuất, lắp ráp thì việc mở rộng hoạt động kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường phân phối, sửa chữa sản phẩm đang là chiến lược được hầu hết các doanh nghiệp ô tô lựa chọn nhằm giữ thị phần tại thị trường Việt Nam.

Các hãng ô tô đang đẩy mạnh chiến lược phát triển đại lý.

Các hãng ô tô đang đẩy mạnh chiến lược phát triển đại lý

Phát triển đại lý, tranh dành thị trường

Đi đầu trong “phong trào” phát triển hệ thống đại lý phân phối sản phẩm tại thị trường ô tô Việt Nam là Mercedes-Benz Việt Nam (MBV). Năm 2016, MBV đã mở tới 12 trung tâm phân phối, và đại lý chính hãng trên toàn quốc. Theo các trang tin ô tô, trong 2 năm 2015 và 2016, MBV đã đầu tư hơn 2 triệu USD vào việc nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng của hệ thống đại lý.

Giám đốc Điều hành khối xe du lịch MBV, ông Choi Duk Jun cho biết: Mở rộng hệ thống đại lý là bước đi chiến lược để MBV mở rộng thị phần và phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam. Trong thời gian tới, MBV sẽ tiếp tục chú trọng phát triển mạnh hệ thống đại lý. Kế hoạch của đơn vị này là từ nay đến năm 2020 sẽ phát triển gấp đôi hệ thống đại lý so với hiện nay. Bên cạnh thương hiệu Mercedes, Fuso cũng thuộc MBV. Chiến lược phát triển đại lý Fuso cũng được MBV triển khai. Chỉ trong thời gian ngắn (từ cuối năm 2014 đến nay), Fuso đã có tới 15 đại lý được thiết lập trên toàn quốc.

Toyota đang có tới 46 đại lý trải đều ở 20 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Toyota đang có tới 46 đại lý trải đều ở 20 tỉnh, thành trên toàn quốc

Vào Việt Nam cùng thời điểm với Mercedes, Toyota đương nhiên cũng nhìn thấy bài toán chiến lược lâu dài để chiếm lĩnh thị trường là mở rộng mạng lưới đại lý. Cho đến thời điểm hiện tại, TMV đã có tới 46 đại lý, chi nhánh đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền cắm ở 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hàng năm, các đại lý này thu hút trung bình khoảng 800.000 lượt xe vào làm dịch vụ.

Chiến lược phát triển đại lý cũng là hướng đi mà GM Việt Nam đang thực hiện. Ông Sumito Ishii, Tổng giám đốc GM Việt Nam cho biết, việc khai trương đại lý mới là một phần trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện của Chevrolet tại Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện tại, Chevrolet đã có 22 đại lý trên toàn quốc.

Trong năm 2016, Ford Việt Nam mở rộng 7 đại lý, chi nhánh phân phối xe, nâng tổng đại lý, chi nhánh phân phối xe của đơn vị lên con số 27. Bên cạnh mảng phân phối sản phẩm mới, Ford Việt Nam cũng đã kịp nhảy vào mảnh đất màu mỡ là kinh doanh xe cũ. Rất nhanh chóng, mảng kinh doanh này của hãng đã lan rộng tới 8 điểm. Trong đó có 2 điểm chuyên về xe cũ. Chia sẻ về chiến lược kinh doanh, ông Nguyễn Văn Dũng- Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho biết: Mảng xe cũ có tốc độ tăng trưởng rất tốt. Năm 2016, mức tăng trưởng của mảng này là hơn 50% so với năm 2015. Lĩnh vực này được đánh giá là rất tiềm năng, đem lại lợi ích không chỉ ở con số doanh thu mà còn giúp thương hiệu này giữ chân và mở rộng được khách hàng.

Theo các chuyên gia phân tích thị trường ô tô, các đại lý nếu chỉ trông vào việc bán xe thì không ổn mà lợi nhuận có được chủ yếu từ hoạt động bảo hành, bảo dưỡng và cung cấp phụ tùng, sửa chữa sản phẩm. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến cho mạng lưới đại lý của các hãng ô tô nhanh chóng được mở rộng trong thời gian vừa qua.

Xu hướng kinh doanh thay vì sản xuất

Hiện tại, các liên doanh tại Việt Nam đang nghiêng về kinh doanh sản phẩm chứ không phải sản xuất.

Hiện tại, các liên doanh tại Việt Nam đang nghiêng về kinh doanh sản phẩm chứ không phải sản xuất

Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào các đại lý phân phối sản phẩm đã cho thấy xu thế chung của các liên doanh tại Việt Nam là nghiêng về kinh doanh sản phẩm chứ không phải tập trung vào đầu tư sản xuất. Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho biết: Trong thời gian tới, xu hướng đầu tư của một số doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam có thể thay đổi điển hình như các doanh nghiệp đang sản xuất ô tô có thể rút khỏi Việt Nam và chuyển sang các nước lân cận trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan, Malaysia... Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ, quy mô thị trường nhỏ và áp lực cạnh tranh với sản phẩm nguyên chiếc nhập khẩu khi thuế giảm nhanh đang là rất lớn.

Ông Koji cũng cho biết, hiện tại có 4 doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nhật đang đầu tư tại Việt Nam là Toyota, Mazda, Honda và Suzuki. Một số dấu hiện đang cho thấy, các doanh nghiệp này muốn nhập ô tô từ các nước trong khu vực thay vì việc nhập khẩu linh kiện về lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam vì lợi nhuận lớn hơn rất nhiều.

Mặc dù việc sản xuất ô tô tại Việt Nam không phải là việc đơn giản nhưng thị trường Việt Nam với dân số trên 90 triệu người cùng tỉ lệ 20/1.000 người sở hữu ô tô đang được xem là thị trường vô cùng rất hấp dẫn.

Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam đang là thị trường vô cùng hấp dẫn .

Với hơn 90 triệu dân, Việt Nam đang là thị trường vô cùng hấp dẫn  

Theo trang thống kê và phân tích dữ liệu từ 52 thị trường trên toàn thế giới có trụ sở tại Anh: JATO thì lượng tiêu thụ toàn ngành ô tô 2016 đạt 84,24 triệu xe, đạt mức tăng trưởng 5,6% so với năm 2015. Thị trường Việt Nam mặc dù đứng thứ 34 về qui mô nhưng lại có mức tăng trưởng 27,1%, đứng thứ 2 thế giới (sau Singapore). Điều này cho thấy, bên cạnh sức ép về sự p hát triển của ngành công nghiệp sản xuất ô tô trước việc thuế nhập khẩu giảm mạnh thì thực tế cho thấy việc đầu tư vào lĩnh vực ô tô tại Việt Nam đang gia tăng mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đạt 24,4 tỷ USD, tăng hơn 1,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là trong năm 2016 vừa qua, ngành kinh doanh ô tô đã vươn lên đứng vị trí thứ 2 về các ngành thu hút vốn FDI lớn nhất vào Việt Nam với hơn 505 dự án được cấp mới.

Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy, dù đầu tư mới hay đầu tư mở rộng thì các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn chủ yếu vào mảng kinh doanh, phân phối sản phẩm. Năm 2016 vừa qua, thị trường ghi nhận nhiều hãng xe liên tục mở chi nhánh, đại lý thay vì đầu tư vốn để mở rộng sản xuất, lắp ráp. Tiếp đó là những thương hiệu mới xuất hiện dưới hình thức nhập khẩu chính hãng để phân phối sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên hiện tại cũng đã xuất hiện một số dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất các mặt hàng phụ trợ như phụ tùng, linh kiện sản phẩm nhưng chưa nhiều và quy mô còn khá nhỏ.

Cho đến thời điểm hiện tại, đa phần các doanh nghiệp đều chưa có định hướng rõ ràng về hoạt động đầu tư vào sản xuất. Không có doanh nghiệp nào có kế hoạch đầu tư dây chuyền sản xuất ô tô mới hoặc mở rộng quy mô nhà xưởng để sản xuất lắp ráp xe. Thậm chí nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô còn đang tính hướng bỏ hẳn sản xuất ô tô để chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc. Do vậy, trong khi còn đang chưa quyết định được việc sản xuất hay nhập khẩu thì việc các doanh nghiệp đầu tư phát triển đại lý là điều tất yếu. Đặc biệt, theo các chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, việc phát triển đại lý phân phối sản phẩm cũng như dịch vụ đi kèm là hướng đầu tư phát triển lâu dài, chắc chắn nhất. Mặc dù quyết định sản xuất hay nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc thì các hãng cũng đều cần hệ thống đại lý để phân phối sản phẩm cũng như thực hiện các dịch vụ hậu mãi.

Nguồn: www.baohaiquan.vn

  • Bình luận google +
  • Bình luận facebook