Giá ô tô sẽ rẻ đến mức nào khi thuế về 0%?
05/04/2017
Vào năm 2018, thuế nhập khẩu về 0%, xe từ ASEAN sẽ tràn về nhưng khó có xe giá rẻ. Ngược lại, các nhà sản xuất ô tô trong nước cũng lại đang nuôi tham vọng xuất ngược xe sang các nước Đông Nam Á.
Thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam sẽ bằng 0% vào năm 2018 theo đúng lộ trình của hiệp định thương mại tự do AFTA. Vì thế, năm 2017 được đánh giá là năm bản lề, chứng kiến nhiều biến động của thị trường ô tô trong nước.
Lượng ô tô nguyên chiếc nhập từ ASEAN đang tăng mạnh theo đúng như dự báo về những bước chuyển ban đầu. Trong 3 tháng đầu năm 2017, theo như ghi nhận thì hiện nay Thái Lan và Indonesia là 2 thị trường cung cấp ô tô nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, thị trường ô tô trong nước cũng đang chứng kiến các chiến dịch giảm giá liên tục của các dòng xe khiến cho người tiêu dùng nảy sinh tâm lý tiếp tục chờ đợi vì cho rằng đến năm 2018 giá ô tô sẽ còn rẻ hơn nữa.
Giá ô tô sẽ rẻ đến mức nào khi thuế về 0%?
Các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ làn sóng nhập khẩu ô tô ASEAN. Mặc dù vậy, những đơn vị có thị phần lớn và năng lực sản xuất mạnh như Trường Hải, Thành Công vẫn tiếp tục mở rộng nhà xưởng, dây chuyền, tăng công suất để đáp ứng nhu cầu cho không chỉ người dùng trong nước mà còn phục vụ tham vọng xuất khẩu ngược sang các nước ASEAN.
Ô tô nhập khẩu ASEAN: Tăng mạnh nhưng vẫn chiếm tỷ trọng thấp
Tính đến thời điểm hiện tại, các liên doanh FDI lớn như Toyota hay Ford Việt Nam đều đang án binh bất động bỏ mặc thời điểm thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về mức 0% đang đến gần. Trả lời cho thắc mắc này, các doanh nghiệp lên tiếng rằng chưa thể hé lộ gì về những thay đổi trong chiến lược sản xuất, kinh doanh trong thời gian này.
Ngược lại, hai doanh nghiệp nội sản xuất ô tô là Trường Hải và Hyundai Thành Công không hề giấu giếm ý định tập trung vào sản xuất, lắp ráp ô tô. Minh chứng rõ ràng nhất chính là việc mở rộng quy mô, dây chuyền tại các nhà máy ở Chu Lai và Ninh Bình.
Biểu đồ thể hiện tỷ trọng các dòng xe nhập khẩu ASEAN bán ra tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hiện nay chi phí giá thành sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn so với các nước khác, trong khi chất lượng không bằng. Bởi vậy, nếu thuế nhập khẩu giảm, các liên doanh có chức năng nhập khẩu sẽ không dại gì đi sản xuất. Thay vào đó, họ sẽ chọn cách nhập khẩu xe về bán kiếm lời. Dĩ nhiên đây mới là chiến lược kinh doanh của họ.
Một viễn cảnh xấu hơn có thể xảy ra, khi hàng nghìn công nhân đang làm việc tại các nhà máy lắp ráp ô tô đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Tệ hơn, khi thị trường bị thu hẹp thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phụ trợ cũng sẽ đối mặt nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, ông Long cũng khẳng định: nếu chính phủ đưa ra được chiến lược phát triển cụ thể, bài bản, kèm theo đó là các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ nền công nghiệp ô tô trong nước thì công nghiệp ô tô Việt Nam hoàn toàn có cơ hội phát triển bền vững.
Trong 3 tháng đầu năm 2017, thông kế từ Tổng cục Hải quan cho thấy lượng ô tô nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia ASEAN (Thái Lan và Indonesia) là 14.460 chiếc, tăng 67,6% so với cùng kỳ năm 2016. Một số ít thuộc về các dòng xe thương mại. Các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc chủ yếu là xe bán tải và xe du lịch.
Thông báo từ các thành viên VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam) thì trong số 64.729 xe bán ra trong 3 tháng đầu 2017 thì tỷ trọng xe nhập khẩu từ ASEAN cũng chiếm tới 22,3%. Con số này thậm chí ước tính thấp hơn nhiều nếu tính thêm cả doanh số của các hãng xe nằm ngoài VAMA.
Danh mục sản phẩm của Toyota Việt Nam đưa ra hiện có 3 dòng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN gồm Fortuner, Yaris và Hilux. Tính riêng trong quý I, doanh số 3 dòng xe này chiếm khoảng 25% tổng số xe Toyota bán ra tại Việt Nam. Vios (4.152 xe) và Innova (3.193 xe) là hai model bán chạy nhất của liên doanh này hiện đều được sản xuất trong nước. Trong khi đó, một liên doanh khác là Ford Việt Nam cũng đang nhập hai dòng xe từ ASEAN là Ranger và Everest. Ranger hiện chiếm hơn 50% thị phần ở phân khúc bán tải. Các dòng xe ăn khách khác của Ford Việt Nam như Ecosport hay Transit đều được lắp ráp trong nước.
Doanh nghiệp nội nuôi tham vọng xuất khẩu xe
Hiện nay, hai nhà sản xuất ô tô nội có thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay là Trường Hải và Hyundai Thành Công đang tiến hành trái ngược với các doanh nghiệp FDI. Họ gần như đang đứng ngoài cuộc chơi nhập khẩu xe từ ASEAN. Những sản phẩm mà họ đưa ra thị trường chủ yếu được lắp ráp trong nước hoặc nhập từ các thị trường khác như Hàn Quốc hay Ấn Độ.
Có thể nhận thấy, cả Trường Hải và Thành Công đều đang lộ rõ tham vọng xuất khẩu ngược các sản phẩm lắp ráp ở Việt Nam sang các thị trường ASEAN thay vì rục rịch lên kế hoạch nhập khẩu thêm nhiều dòng xe từ ASEAN để hưởng ưu đãi thuế như các hãng xe khác.
Trường Hải, Hyundai Thành Công đầu tư mở rộng nhà máy, quy mô sản xuất để xuất ngược các mẫu xe sang thị trường ASEAN
Chi hơn nửa tỷ USD để xây dựng nhà máy lắp ráp xe Mazda với công suất 100.000 xe/năm tại khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam) được coi là những bước đi đầu tiên trong việc hiện thực hóa chiến lược mới này của Trường Hải.
Trong khi đó, cuối tháng 3 vừa qua, Thành Công cũng tiến hành hợp tác với tập đoàn Hyundai để đầu tư xây dựng tổ hợp sản xuất lắp ráp ô tô Hyundai tại Việt Nam cũng như phục vụ thị trường ASEAN với quy mô công suất 160.000 xe.
Đại diện của Trường Hải và Hyundai Thành Công cho hay lý do khiến cả hai đầu tư vào sản xuất, lắp ráp ô tô là họ nhận thấy chính phủ vẫn quyết liệt và quyết tâm xây dựng nền công nghiệp ô tô Việt Nam.
Để khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp ô tô trong nước trước làn sóng nhập khẩu với thuế suất 0% từ ASEAN, Trường Hải và Thành Công đã cùng gửi tới chính phủ một loạt kiến nghị. Cụ thể là bước đầu đề xuất cắt giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0%, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và minh bạch trong kinh doanh thì các hàng rào thuế quan cần được ban hành để tránh những gian lận về nguồn gốc xuất xứ và thương mại.
Tiếp đến, hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước cũng kiến nghị chính phủ cần sớm ban hành các điều kiện trong kinh doanh ô tô nhằm tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh cho các nhà sản xuất ô tô trong nước.
Năm 2018, liệu có ô tô giá rẻ?
Rất nhiều người tiêu dùng đang kỳ vọng sẽ mua được những chiếc ô tô giá rẻ ở Việt Nam khi mà thời điểm thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về Việt Nam bằng 0% đang đến gần. Thế nhưng, liệu sẽ có ô tô giá rẻ ở Việt Nam hay không thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Đại diện Toyota Việt Nam cũng cho hay, việc xây dựng giá thành của mỗi chiếc xe dựa trên rất nhiều yếu tố nên các nhà sản xuất, phân phối luôn phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Đồng thời cũng khẳng định thêm, việc giá xe 2018 có giảm hay không thì Toyota Việt Nam hiện không thể nói trước được.
Ford Việt Nam cũng chính thức đưa ra khuyến cáo với người dùng nên cần nhận thức rõ ràng rằng mức thuế nhập khẩu 0% chỉ được áp dụng với các xe nhập từ ASEAN và có hàm lượng nội địa hóa ở ASEAN lớn hơn hoặc bằng 40%. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ nhu cầu sử dụng và khả năng đầu tư để có lựa chọn mua xe phù hợp.
Dựa trên bối cảnh hiện tại, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng nêu ý kiến, người Việt Nam không nên mơ có ô tô giá rẻ vì nhà nước không khuyến khích sử dụng ô tô cá nhân. Ông cũng tiếp tục nhận định: "Dù thuế nhập khẩu bằng 0% nhưng giấc mơ mua xe giá rẻ sẽ khó thành hiện thực do cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Bối cảnh nợ công lớn, bội chi ngân sách, các nguồn thu thâm hụt khiến các chính sách thuế, phí đối với ô tô cũng sẽ khó giảm ở tương lai gần”.
Nguồn: cafeauto.vn
Các tin khác
- Bình luận google +
- Bình luận facebook