Sản xuất linh kiện ô tô trong nước gian nan tìm đường thoát

Mặc dù có sản phẩm chất lượng tốt, giá thành phải chăng nhưng các sản phẩm nhíp của Công ty cổ phần Cơ khí 19-8 (Hà Nội) lại "thất thế" ngay trên "sân nhà". Đây cũng là câu chuyện chung của không ít doanh nghiệp sản xuất phụ kiện ô tô trong nước.

Sản phẩm của một số doanh nghiệp sản xuất phụ kiện ô tô trong nước có chất lượng tốt nhưng vẫn khó tiêu thụ.

Sản phẩm của một số doanh nghiệp sản xuất phụ kiện ô tô trong nước có chất lượng tốt nhưng vẫn khó tiêu thụ

Công ty cổ phần cơ khí 19-8 tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Giao thông vận tải (Vinamotor) được thành lập từ năm 1979, có nhiệm vụ đầu tư sản xuất nhíp ô tô các loại cung cấp cho các doanh nghiệp ô tô trong nước. Chia sẻ với các trang tin ô tô, ông Trần Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cơ khí 19-8 cho biết: Là doanh nghiệp Nhà nước, phải thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao nên dù biết khó khăn, vất vả nhưng Công ty vẫn phải làm. Một thời gian sau, Công ty tiến hành cổ phần hóa và trở thành doanh nghiệp tư nhân. Để có thể tồn tại, có các sản phẩm đạt chất lượng tốt, giá thành hạ, cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu, công ty đã phải đầu tư máy móc, nhà xưởng, dây truyền sản xuất với tổng số vốn ước khoảng 25 tỷ đồng.

Được ứng dụng công nghệ hiện đại của Nhật Bản, năng lực sản xuất sản phẩm nhíp của công ty đạt khoảng 30.000 tấn sản phẩm/năm. Các sản phẩm của công ty đạt tiêu chuẩn chất lượng (sản phẩm đạt chứng chỉ chất lượng: DIN 2094:2006-09 tiêu chuẩn của Cộng hòa liên bang Đức ISO 9001-2000) và xuất khẩu được đi nước ngoài nhất là cả ở các thị trường khó tính nhất như Đức, Pháp, Itali, Indonesia, Myanmar, Philippines,  Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia hay Nam Phi...

Tuy vậy, nghịch lý là các sản phẩm này của công ty lại không tiêu thụ được tại thị trường nội địa hiện đang có khoảng 100.000 xe tải (tương đương 400.000 đến 500.000 tấn sản phẩm). Hiện tại, Công ty chỉ sử dụng 1/3 công suất thiết kế, trong đó, 2/3 sản lượng để xuất khẩu và 1/3 tiêu thụ để tiêu thụ nội địa.

Đặc biệt, trao đổi về việc sản phẩm chất lượng tốt nhưng không tiêu thụ được tại thị trường nội địa, đại diện công ty 19-8 cho biết, sản phẩm của công ty có thể xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài thậm chí là cả thị trường Trung Quốc - vốn là thị trường có sản phẩm rẻ nhất thế giới. Do đó, giá sản phẩm chắc chắn không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sản phẩm của công ty không tiêu thụ được ở thị trường nội địa. Thậm chí, đại diện công ty cũng cho biết, công ty xác định, đối với doanh nghiệp trong nước, nếu có thể “đặt chân” được vào, ký được hợp đồng thì giá nào công ty cũng bán.

Chỉ ra nguyên nhân sản phẩm không thể tiêu thụ được tại thị trường nội địa thứ nhất ở thị trường sau bán hàng (sản phẩm thay thế khi sửa chữa)đại diện công ty 19-8 cho biết, đó là do họ không thể cạnh tranh được với sản phẩm Trung Quốc chất lượng thấp, giá rẻ vì hiện nay thuế nhập khẩu mặt hàng này vào Việt Nam là 0% (trong khi thuế xuất khẩu vào Trung Quốc là 10%). Đặc biệt, tại các doanh nghiệp lắp ráp xe tải lớn ở Việt Nam như Thaco, Samco, Đồng Vàng hay Cửu Long…. đều hợp đồng ký kết chặt chẽ với các đối tác nước ngoài vì vậy họ không thể mua lẻ một linh kiện (nhíp) nội địa được. 

Hiện tại, các doanh ngiệp trong nước cũng không "dại" mà đầu tư vào công nghiệp phụ trợ vì dù sản xuất cả cụm nhưng chúng ta cũng không thể chen chân được vào các đối tác sản xuất, lắp ráp ô tô đã ký kết hợp đồng chặt chẽ như vậy. Hướng thoát của các doanh nghiệp sản xuất phụ kiện trong nước còn cầm cự được là xuất khẩu. Tuy vậy, do ở các thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước không có hệ thống cửa hàng rộng khắp nên việc tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn. 

Nguồn: www.baohaiquan.vn

  • Bình luận google +
  • Bình luận facebook