Sản xuất ô tô trong nước trước lộ trình giảm thuế nhập khẩu
08/11/2016
Xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam đang trong lộ trình giảm thuế mạnh. Điều này khiến cho xu hướng ô tô nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam trong thời gian tới gần như là chắc chắn. Đồng nghĩa với xu hướng này, ngành sản xuất ô tô trong nước đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Sản xuất ô tô trong nước phải đối mặt với nhiều thách thức khi xe nhập khẩu đang trên lộ trình giảm thuế mạnh
Đây là khoảng thời gian ngành sản xuất ô tô trong nước phải đối mặt với rất nhiều thử thách do các xe nhập khẩu nguyên chiếc đang trên đà hưởng thuế giảm. Vậy, trong hoàn cảnh này, liệu có doanh nghiệp nào dám đầu tư sản xuất ô tô không?
Thuế giảm: Cơ hội tốt cho xe nhập khẩu tràn vào
Năm 2016, thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận một thực tế vốn được nhìn thấy trước là xu thế nhập khẩu xe từ các nước trong khu vực tăng mạnh, nhất là Thái Lan. Nếu như năm 2015, Thái Lan đứng thứ 4 thì đến nay, quốc gia này đã vượt qua Trung Quốc, Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất xe vào Việt Nam nhiều nhất. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm nay, lượng ô tô từ Thái Lan nhập vào Việt Nam đạt 18.840 xe, tăng 55,4%.
Tại khu vực Asean,Thái Lan là nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển nhất với sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, giá rẻ, chi phí vận chuyển thấp… Đặc biệt, năm 2016, xe ô tô nhập khẩu từ Thái Lan (Asean) về Việt Nam chỉ còn phải chịu thuế nhập khẩu là 40%. Theo lộ trình cắt giảm thuế, đến năm 2017, thuế suất thuế nhập khẩu trong các quốc gia Asean lại được giảm xuống còn 30%, các mẫu xe sử dụng xi lanh có dung tích từ 1.5L được giảm từ 45% xuống còn 40%. Đáng quan tâm hơn nữa, đến năm 2018, thuế nhập khẩu sẽ hoàn toàn được miễn và thuế TTĐB tiếp tục giảm 5% cho xe có dung tích xi lanh 1.5L và 2.0L. Trước lộ trình giảm thuế này, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, trong thời gian tới, xe ô tô từ Asean mà chủ yếu là từ Thái Lan và Indonesia sẽ ồ ạt vào Việt Nam.
Ngoài Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với Hàn Quốc, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) cũng bắt đầu có hiệu lực, tạo điều kiện để hàng hóa từ nước này, nhất là máy móc thiết bị, phụ liệu và ô tô... được nhập vào Việt Nam với mức thuế thấp hơn, thậm chí là miễn hoàn toàn.
Bên cạnh đó là ô tô nguyên chiếc từ một thị trường khá mới như Nga. Việt Nam và Nga đã cùng ký kết Hiệp Nghị định thư Hợp tác về ô tô. Theo đó, Việt Nam sẽ đồng ý để các DN liên doanh giữa hai nước được miễn thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, tạo điều kiện thuận tiện cho công tác bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với các linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô trong vòng 5 năm. Được biết, theo lộ trình, trong 3 năm đầu, Nga sẽ xuất sang Việt Nam 2.550 xe và 13.500 phụ kiện trong 5 năm đầu. Chính vì vậy, chắc chắn trong thời gian tới, lượng xe ô tô nguyên chiếc từ Nga nhập vào Việt Nam sẽ tăng rất mạnh.
Nỗi lo nhập siêu lớn
Lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vào nước ta trong năm nay được dự bán vẫn tăng cao
Nhìn lại thị trường ô tô Việt Nam 9 tháng đầu năm 2016, chúng ta có thể thấy nhu cầu sở hữu ô tô của người dân Việt Nam rất lớn, bất chấp giá xe đang cao và dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm. Trong 9 tháng đầu năm, doanh số bán của toàn thị trường đạt 214.398 xe các loại, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các nhà phân tích, tốc độ tăng trưởng năm nay vẫn rất tốt, thậm chí có thể bằng năm ngoái - năm thị trường ô tô nước ta đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các năm trước đó với 244.914 xe, tăng 55%. Dự báo, thời gian tới, thị trường ô tô Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ kinh tế phát triển ổn định và nhu cầu sử dụng ô tô của người dân vẫn chưa có dấu hiệu trững lại.
Tốc độ tăng trưởng nhanh của mặt hàng ô tô trong hoàn cảnh cơ sở vật chất của nước ta còn nhiều hạn chế đang kéo theo nguy cơ ùn tắc giao thông. Đặc biệt, trong bối cảnh việc nhập khẩu xe nguyên chiếc đang tăng mạnh thì nỗi lo về nhập siêu từ ô tô cũng cần được tính đến.
Tình trạng nhập siêu của Việt Nam trong những năm gần đây về cơ bản đã được cải thiện. Trong 9 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu gần 2,76 tỷ USD. Gần đây, tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc cũng giảm nhẹ nhưng lại tăng cao từ Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Nếu phân tích kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu gồm ba cấu phần chính là hàng vốn đầu tư (thiết bị máy móc, nguyên liệu), hàng trung gian và hàng tiêu dùng. Trong đó, hàng tiêu dùng chiếm khoảng 10%. Ba đối tác mà Việt Nam nhập siêu nhiều nhất là Hàn Quốc, ASEAN và Trung Quốc. Riêng từ khu vực ASEAN, Việt Nam nhập siêu không nhiều nhưng với một số mặt hàng và với một số nước như Thái Lan thì nước ta lại có mức nhập siêu đang tăng lên. Xu thế này phần nào có liên quan đến thực tế thu nhập của người tiêu dùng nước ta đang ngày càng tăng lên, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ, đắt tiền như ô tô...cũng tăng.
Do đó, với xu thế thuế nhập khẩu trong khu vực ASEAN và Hàn Quốc giảm thì mặt hàng tiêu dùng vốn không được khuyến khích là ô tô sẽ lại gia tăng nhanh, gây áp lực đến việc cân đối cán cân thương mại.
Năm 2014, Việt Nam chi tới 1,581 tỷ USD để nhập 70.956 ô tô nguyên chiếc. Đến năm 2015, con số này tăng lên là 1,9 tỷ USD và 125.534 xe nguyên chiếc. Trong 9 tháng năm 2016, do những lý do liên quan đến sự thay đổi chính sách nên lượng và trị giá nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm 7,3% lượng và 16,9% giá trị. Tuy vậy, Việt Nam cũng đã bỏ ra tới 1,75 tỷ USD để nhập 77.515 xe.
Số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, năm 2015, Việt Nam có 282.300 xe đăng ký mới. Dự kiến năm 2016, con số này sẽ là 344.600 xe. Dự báo đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người nước ta đạt khoảng 3.000 USD và bước vào giai đoạn phổ cập ô tô. Năm 2025, nhu cầu xe ở nước ta có thể lên đến 500.000 - 600.000 xe/năm. Nếu sản xuất ô tô trong nước không cạnh tranh được, xe nhập tăng mạnh, ngoại tệ hàng năm bỏ ra để nhập khẩu ô tô sẽ là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến bài toán kiềm chế nhập siêu và sẽ tác động xấu tới nền kinh tế nước nhà.
Bài toán đầu tư trong nước
Năm 2014, Chính phủ nước ta phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 có xác định ô tô là ngành công nghiệp quan trọng, cần khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn.
Trong lĩnh vực đầu tư sản xuất ô tô nước ta có 2 tên tuổi lớn là Công ty ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) và Công ty ô tô Trường Hải (Thaco). Trong khi Vinaxuki theo đuổi mục tiêu sản xuất những chiếc ô tô du lịch "made in Vietnam" thì Thaco lại hợp tác với các thương hiệu quốc tế nhưng chưa có cơ sở sản xuất tại Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN. Phương thức sản xuất mà Thaco đưa ra là phải có thị trường tiêu thụ rồi mới quay lại đầu tư cho sản xuất, đi từ những chi tiết đơn giản đến chi tiết khó hơn, cần nhiều tiền đầu tư hơn, từng bước thâm nhập vào chuỗi sản xuất của các thương hiệu quốc tế, tăng cường hoạt động sản xuất tại Việt Nam, hướng đến thị trường ASEAN.
Vinaxuki đang đối mặt với vô vàn khó khăn khi theo đổi mục tiêu sản xuất xe "made in Vietnam'
Tuy vậy, đến nay, Vinaxuki đang gặp rất nhiều khó khăn. Thaco thì dường như vẫn theo đuổi mục tiêu phát triển sản xuất ô tô, chinh phục ra thị trường ASEAN.
Nhắc đến việc lắp ráp và sản xuất ô tô tại Việt Nam, chúng ta cũng không thể không nhắc đến Toyota Việt Nam. Mặc dù vẫn khẳng định tiếp tục sản xuất ô tô tại Việt Nam nhưng thời gian qua, đơn vị này chưa có động thái rõ nét nét nào thể hiện mục tiêu đó cả. Thậm chí, đơn vị này đang có biểu hiệu gia tăng nhập khẩu, nhất là dòng xe bán tải. Dường như Toyota Việt Nam đang “nghe ngóng”, chờ đợi các quyết sách cụ thể hơn của Chính phủ.
Trong khi đó, với nhận định không còn nhiều thời gian, Hyundai Thành Công, đơn vị vốn “chuyên” nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lại đang có những bước đi chiến lược, đầu tư sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Hiện tại, Hyundai Thành Công đang lắp ráp 3 mẫu xe tại Nhà máy ô tô của mình đặt ở khu công nghiệp Gián Khẩu, Ninh Bình. Không chỉ có vậy, Hyundai Thành Công đã đạt được những thoả thuận ban đầu và hoàn tất các bước quan trọng cho việc hợp tác với Hyundai để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm của Hyundai tại Việt Nam, biến Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp xe Hyundai cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nguồn: www.baohaiquan.vn
Các tin khác
- Bình luận google +
- Bình luận facebook