Thị trường ô tô ra sao khi cho phép nhập khẩu ô tô tự do?

Giữa năm 2011, Bộ Công thương ban hành Thông tư 20, khiến các showroom ô tô không còn được phép nhập khẩu xe về bán như trước. Ngày 1/7 tới đây, thông tư trên không còn hiệu lực, thị trường ô tô trong nước có thể sẽ trở nên hỗn loạn.

Trước thời điểm áp dụng Thông tư 20, thị trường ô tô trong nước ghi nhận sự cạnh tranh của những mẫu xe nhập khẩu chính hãng với những chiếc xe nhập khẩu tư nhân. Theo đó, những mẫu xe nhập ngoài luôn có giá tốt hơn xe nhập khẩu chính hãng.

Những chiếc xe do các showroom tư nhân nhập khẩu, nếu không tính đến những tiêu cực như khai giá thấp để trốn thuế hay lách luật, thì có được giá bán tốt hơn những chiếc xe nhập khẩu chính hãng. Không cần lo cơ sở hạ tầng sao cho đạt tiêu chuẩn của hãng, không phải chịu ràng buộc về bảo hành bảo dưỡng chính hãng, không chịu trách nhiệm triệu hồi nếu sản phẩm xảy ra lỗi, đó là các lý do khiến xe nhập ngoài có giá tốt hơn những xe nhập khẩu qua nhà phân phối.

Thị trường ô tô ra sao khi cho phép nhập khẩu ô tô tự do? a

Thị trường ô tô ra sao khi cho phép nhập khẩu ô tô tự do?

Không ít những xe dạng này sau đó khi xảy ra vấn đề đã bị các showroom cho rằng chỉ trách nhiệm bán xe, những vấn đề còn lại là để nhà sản xuất hay nhà phân phối chính hãng xử lý. Nếu là những mẫu xe độc, lạ, chưa có nhà phân phối chính hãng, khách hàng sẽ phải chịu cảnh đắp chiếu cho những chiếc xe tiền tỷ gặp vấn đề của mình.

Năm 2009, có tới hơn 100 ngàn ô tô các loại được nhập khẩu về Việt Nam, dẫn đến tình trạng nhập siêu lớn và đã góp phần khủng hoảng kinh tế xảy ra sau đó.

Ở chiều hướng ngược lại, các doanh nghiệp phân phối và nhập khẩu ô tô chính hãng đã đầu tư rất nhiều vào nhà máy lắp ráp, hệ thống đại lý đạt tiêu chuẩn, phải chịu trách nhiệm với những mẫu xe bán ra, như triệu hồi, thay thế linh kiện hỏng lỗi... nên có mức giá bán cao hơn, và chịu nhiều sức ép từ những mẫu xe nhập khẩu không chính hãng cho tới trước thời điểm Thông tư 20 được áp dụng năm 2011.

Do vậy, vào ngày 1/7 tới đây, Thông tư 20 không còn hiệu lực, người ta lo ngại giới buôn xe không chính hãng sẽ khiến thị trường xe hơi trở nên hỗn loạn.

Theo Trường Hải (Thaco), việc bãi bỏ thông tư 20 sẽ khiến các doanh nghiệp tham gia nhập khẩu ô tô ồ ạt, dẫn đến tồn kho, nhập siêu, và có thể phải bán lỗ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc này cũng dẫn đến sự bất ổn của thị trường ô tô, tạo ra sự bất an cho các doanh nghiệp đã và đang có kế hoạch đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam.

VAMA cho biết, việc kinh doanh ô tô cần được sự ủy quyền của nhà sản xuất để nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiêt, đào tạo con người và cung cấp linh kiện chính hãng phục vụ bảo hành, bảo dưỡng, cũng như việc triệu hồi xe sao cho chất lượng xe luôn đảm bảo trong suốt vòng đời, qua đó đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng cũng lên tiếng cho rằng, cần tiếp tục duy trì Thông tư 20 để không làm xáo trộn thị trường ô tô trong nước.

VAMA cũng đã đề xuất với Thủ tướng khẩn trương ban hành nghị định mới thay cho thông tư 20 sắp hết hiệu lực, để đảm bảo sự phát triển ổn định của ngành công nghiệp ô tô cũng như quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường.

Ở góc độ người dùng, khi Thông tư 20 hết hiệu lực, có thể người tiêu dùng sẽ có nhiều mẫu xe độc, lạ lựa chọn hơn, mức giá cũng có thể cạnh tranh hơn các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với sản phẩm tốt. Hơn nữa khi hỏng hóc, những chiếc xe được nhập không chính hãng sẽ nhận được rất ít sự hỗ trợ từ người bán hàng.

Nguồn: tienphong.vn

  • Bình luận google +
  • Bình luận facebook