Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ xe Thái, Indonesia

Năm 2016, Việt Nam chi hơn 5,8 tỷ USD nhập ô tô và linh kiện, trong đó chủ yếu là từ các nước ASEAN. Sang năm 2017, lượng xe nhập từ Thái Lan, Indonesia tăng mạnh, chiếm hơn 54% tổng xe nhập chung. Trong bối cảnh thuế nhập khẩu từ ASEAN sắp bỏ hoàn toàn thì nguy cơ Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ cho xe hơi các nước ASEAN ngày càng lớn.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2016, trong hơn 113.567 chiếc ô tô nhập khẩu về Việt Nam với giá trị đạt xấp xỉ 2,3 tỷ USD thì nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô cũng đạt hơn 3,54 tỷ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và phụ tùng đạt hơn 5,84 tỷ USD.

Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ xe Thái, Indonesia.

Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ xe Thái, Indonesia

Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt hơn 660 triệu USD và nhập khẩu linh kiện ô tô đạt 1,1 tỷ USD. Tổng cộng kim ngạch nhóm hàng này đạt hơn 1,76 tỷ USD, kim ngạch cũng tăng đều so với cùng kỳ năm trước, so với cùng kỳ năm 2014 thì tăng 20%.

Kim ngạch nhập khẩu ô tô vượt qua cả xuất dầu thô và gạo

Trong tháng 4 vừa qua, nhóm hàng ô tô và linh kiện ô tô đã lọt 1 trong 10 nhóm ngành có kim ngạch nhập khẩu cao nhất, khiến kinh tế nhập siêu trở lại khoảng 2 tỷ USD. Đặc biệt, nếu xét về kim ngạch nhập khẩu trong năm 2016 hơn 5,8 tỷ USD của ô tô đã vượt qua cả tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô và gạo trong năm này cộng lại. Bộ Công Thương cho biết, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện ô tô là hàng hóa tiêu dùng có giá trị cao, không có nguồn nào để bù trừ, điều này khiến cho cán cân thương mại thâm hụt.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu ô tô tiêu thụ năm 2025 theo phương án trung bình là khoảng 800.000 - 900.000 xe; năm 2030 là khoảng 1,5 - 1,8 triệu xe và xe con nhập khẩu 100%; xe khách và xe tải nhập khẩu 50% thì kim ngạch nhập khẩu năm 2025 và năm 2030 dự kiến lần lượt khoảng 12 tỷ USD và 21 tỷ USD.

Trong báo cáo mới nhất đánh giá về ngành công nghiệp ô tô được Bộ Công Thương lấy ý kiến doanh nghiệp có chỉ rõ, trong 10 quốc gia ASEAN, đến nay mới chỉ có 5 nước có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2015 đến nay, xe hơi nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam tăng rất mạnh và thực chất là tăng lượng lớn từ các nước Thái Lan, Indonesia. Bên cạnh đó, lượng phụ tùng, linh kiện nhập từ các nước này cũng rất lớn. Nếu năm 2014, tỷ trọng nhập khẩu xe từ ASEAN chiếm 22,7% về lượng thì đến năm 2016 đã là 33,7%. Trong khi đó, xét về giá trị thì năm 2014 là 16,4%, tới năm 2016 đã là xấp xỉ 30%.

Việt Nam có nguy cơ thành nơi tiêu thụ xe Thái, Indonesia, xa hơn nữa là Malaysia và Philippines

Trong 4 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu ô tô từ ASEAN tăng mạnh. Cụ thể, đã có gần 18.000 chiếc xe từ Thái Lan, Indonesia được nhập về Việt Nam trong tổng số hơn 33.400 xe nguyên chiếc được nhập về, chiếm trên 54% về lượng.

Bộ Công Thương cho biết, năm 2017, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm còn 30% đã khiến lượng xe nhập đã tăng thì đến năm 2018, mức thuế nhập sẽ được bãi bỏ hoàn thoàn có thể lượng xe từ ASEAN vào Việt Nam còn tiếp tục tăng mạnh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ chúng ta "dâng" thị trường cho xe các nước ASEAN là hoàn toàn có cơ sở.

Thực tế cho thấy, phát triển công nghiệp ô tô dựa vào các yếu tố như: quy mô thị trường, mức thu nhập/đầu người người và cơ cấu dân số. Những quốc gia được xem là có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp ô tô là những quốc gia đạt mức thu nhập hơn 3.000 USD/người/năm và có trung bình 50 xe/1.000 dân (thời kỳ ô tô hoá).

Căn cứ vào tiêu chí trên thì trong khu vực ASEAN, các nước có ngành công nghiệp ô tô, trong đó Thái Lan, Maylaysia đang bão hòa để xuất khẩu còn Indonesia và Philippines đang ở giai đoạn tiềm năng khi thu nhập bình quân/người, số dân và quy mô đang ở mức cao và có nhiều triển vọng.

Đây là một trong những nguyên nhân vì sao thời gian qua nhiều hãng ô tô của Nhật Bản đã và đang cân nhắc chuyển lắp ráp tại Việt Nam sang các nước Indonesia và Philippines dù Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi lớn. Tuy vậy, xét về lợi ích của doanh nghiệp thì rõ ràng các hãng, liên doanh đều có tính toán.

Trong bối cảnh hội nhập, xu thế bỏ hàng loạt thuế quan từ ASEAN, tiếp đó là từ EU, Mỹ... nếu như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn phát triển "mờ nhạt" như hiện nay thì việc hình thành ngành sản xuất ô tô nội địa và nhanh chóng trở thành thị trường tiêu thụ ô tô khó có cơ hội thành sự thật, kéo theo nguy cơ mất cân đối thương mại và bất ổn kinh tế vĩ mô.

Nguồn: cafeauto.vn

  • Bình luận google +
  • Bình luận facebook